Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

1. Đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là đối tượng có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
(2) Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
(3) Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
(4) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

2. Các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực có các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, bao gồm:

(1) Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng, Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than, dầu, khí tự nhiên
(2) Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải
(3) Xây dựng: tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng
(4) Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác
(5) Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.
(6) Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.

3. Quy trình thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính với VN-GIC

A green and black text on a white background

Description automatically generated

Cụ thể, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện qua 05 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Xác định phạm vi, ranh giới kiểm kê

Phạm vi 1: Nguồn phát thải trực tiếp:

a) Phát thải từ nguồn cố định gồm hoạt động đốt nhiên liệu trong các thiết bị lắp đặt cố định như nồi hơi, lò nung, đầu đốt, tua-bin, lò sưởi, lò đốt, v.v…;

b) Phát thải từ nguồn di động gồm hoạt động đốt nhiên liệu của các thiết bị vận tải;

c) Phát thải từ các quá trình công nghiệp gồm phát thải từ các quá trình vật lý hoặc hóa học tạo ra KNK trong dây chuyền sản xuất của cơ sở;

d) Phát thải do phát tán từ trong máy móc, thiết bị hoặc trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản,..;

đ) Phát thải KNK là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh môi chất lạnh;

e) Phát thải từ thu gom, quản lý và xử lý chất thải.

Phạm vi 2: Nguồn phát thải gián tiếp:

a) Phát thải do tiêu thụ năng lượng điện;

b) Phát thải do sử dụng năng lượng hơi.

 

A screenshot of a computer

Description automatically generated

Bước 2: Khảo sát, thu thập số liệu thực địa

a) Khảo sát, nhận diện các nguồn phát thải;

b) Xác định các dữ liệu cần thiết;

c) Xây dựng bảng thu thập số liệu thô;

d) Thu thập dữ liệu hoạt động về các nguồn thải có liên quan;

e) Kiểm tra, xác định sự đầy đủ của dữ liệu.

Bước 3: Lựa chọn hệ số phát thải và xác định phương pháp kiểm kê KNK

a) Hệ số phát thải: Tra thông tin hệ số phát thải tại IPCC 2006 hoặc Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT cùng với các nguồn thông tin được công nhận và cập nhật.

b) Phương pháp kiểm kê KNK: Sử dụng công thức tính phát thải KNK cơ bản

Phát thải KNK = Dữ liệu hoạt động x Hệ số phát thải

Trong đó:

  1. Dữ liệu hoạt động: Phép đo định lượng của hoạt động tạo ra phát thải hoặc loại bỏ KNK, ví dụ lượng nhiên liệu vận chuyển được tiêu thụ, số liệu hàng hoá được tiêu thụ,…
  2. Hệ số phát thải: Tra thông tin hệ số phát thải tại IPCC, 2006 hoặc Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT cùng với các nguồn thông tin được công nhận và cập nhật.

Bước 4: Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê

a) Đánh giá độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê KNK thực hiện đối với các nội dung sau:

– Tính hoàn thiện của báo cáo;

– Tính phù hợp thực tế của mô hình, phương pháp kiểm kê;

– Tính đầy đủ của dữ liệu tính toán;

– Tính đại diện của số liệu;

– Tính bất thường của số liệu;

– Sự thiếu minh bạch, sai phạm vi kiểm kê.

b) Định lượng độ không chắc chắn kiểm kê KNK thực hiện theo hướng dẫn tại Chương 3, Quyển 1, Hướng dẫn IPCC 2006, Hướng dẫn IPCC 2019.

Bước 5: Tính toán lại kết quả và xây dựng báo cáo kiểm kê KNK

Đối với báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở gồm 3 chương được nêu tại Phụ lục II – Nghị định 06/2022/NĐ-CP bao gồm các phần như sau:

CHƯƠNG 1: THÔNG TIN CỦA CƠ SỞ PHẢI THỰC HIỆN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH

– Tên cơ sở, địa chỉ, giấy phép kinh doanh

– Thông tin về người đại diện của cơ sở trước phát luật

– Thông tin về lĩnh vực hoạt động kinh doanh, sản xuất

CHƯƠNG 2: THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

– Ranh giới và phạm vi hoạt động cơ sở

– Cơ sở hạ tầng, công nghệ và hoạt động của cơ sở

– Các nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi

– Hệ thống thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính của cơ sở

CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ THỰC HIỆN KIỂM KÊ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH – Mô tả phương pháp kiểm kê phát thải khí nhà kính

– Số liệu hoạt động liên quan đến phát thải khí nhà kính của cơ sở

– Kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở

– Độ tin cậy, tính đầy đủ, độ không chắc chắn của thông tin, số liệu về phát thải khí nhà kính và kết quả kiểm kê khí nhà kính.

Mẫu báo cáo kiểm kê khí nhà kính được lấy từ Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

Biểu mẫu Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

4. Quy định về các mốc thời gian thực hiện báo cáo kiểm kê KNK

Căn cứ Khoản 4, Điều 11, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP:

  • Trước năm 2024: Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê KNK của năm trước kỳ báo cáo trước ngày 30/03/2023 theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực.
  • Kể từ năm 2024 trở đi:
    • Nộp báo cáo kiểm kê KNK với tần suất: 2 năm/lần, tính từ năm 2024.
    • Đơn vị tiếp nhận: UBND tỉnh
    • Thời hạn nộp báo cáo: Trước ngày 31/03 của năm kế tiếp.