Tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một đơn vị đo lường được sử dụng để đo lượng khí thải carbon mà một tổ chức hoặc cá nhân đã giảm bớt, tránh được hoặc loại bỏ khỏi môi trường. Cụ thể, mỗi tín chỉ carbon thường tương đương với một tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc một lượng khí thải carbon khác tương đương.
Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là các cơ chế thực hiện việc đăng ký, triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon theo các phương pháp được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận. Tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án được trao đổi trên thị trường carbon hoặc bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch được phân bổ.

1. Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thi trường carbon trong nước
– Giai đoạn đến hết năm 2027:
a) Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon;
b) Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Thành lập và tổ chức vận hàng thí điểm sản giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025:
d) Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
– Giai đoạn từ năm 2028:
a) Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028;
b) Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

2. Xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước
– Bộ Tài nguyên và môi trường xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn, bao gồm:
a) Lượng tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ quy định tại khoản 2 điều 12 nghị định 06/2022/NĐ-CP.
– Trình tự, thủ tục xác nhận:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch nộp đơn theo mẫu đơn đề nghị xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính quy định tại mẫu số 1, phụ lục V, Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác minh, cấp giấy xác nhận và gửi thông báo cho tổ chức, cá nhân; trong trường hợp không cấp giấy xác nhận thì phải nêu rõ lý do.

3. Trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước
– Việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon, thị trường carbon trong nước theo quy định.
– Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được giao dịch:
a) Hạn ngạch phát thải khí khi được giao dịch trên sàn giao dịch 1 đơn vị hạn ngạch phát thải khí nhà kính bằng 1 tấn CO2 tương đương;
b) Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon được phép đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch 1 tín chỉ carbon bằng 1 tấn CO2 tương đương;
– Đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính được quy định tại khoản 3, điều 19 Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

4. Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon
– Đối tượng:
a) Tổ chức Việt Nam có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án;
b) Tổ chức nước ngoài có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án trên lãnh thổ Việt Nam.
– Hồ sơ đề nghị chấp thuận dự án bao gồm:
a) Đơn đề nghị chấp thuận chương trình, dự án theo Mẫu số 03 của phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP;
b) Tài liệu chương trình, dự án được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Báo cáo kỹ thuật hoặc báo cáo thẩm định chương trình, dự án của cơ quan thẩm định độc lập theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy phép và văn bản có liên quan đến hoạt động chuyên môn của chương trình, dự án theo quy định hiện hành.