Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tính đến tháng 4/2022, có 68 công cụ định giá carbon hoạt động trên toàn cầu với 3 công cụ khác đang được lên kế hoạch thực hiện. Định giá carbon đang là giải pháp xu hướng nhằm giảm thiểu carbon bởi công cụ này hiện đang bao trùm khoảng 23% tổng lượng phát thải KNK trên toàn cầu. Nhiều quốc gia phát triển, thậm chí đang phát triển khác cũng xem xét xây dựng ý tưởng định giá carbon thông qua công cụ thuế carbon hoặc thị trường mua bán phát thải (ETS).

Thuế carbon đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó quốc gia đầu tiên thực hiện thuế carbon là Phần Lan vào năm 1990. Tính đến tháng 4/2021, mức thuế carbon ở quốc gia này lên tới 73,02 USD/tấn CO2. Tiếp sau Phần Lan là Thụy Điển và Na Uy – hai quốc gia cùng thực hiện thuế carbon vào năm 1991, trong đó với mức thuế 69 USD/tấn CO2 được sử dụng trong xăng, thuế carbon của Na Uy được xếp vào hàng nghiêm ngặt nhất thế giới.

Các quốc gia thuộc khối liên minh châu Âu như Đan Mạch, Pháp, Ai-Len, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Anh cũng lần lượt đánh thuế carbon cho tất cả các nhiên liệu sử dụng trong các ngành kinh tế, ngoại trừ một số ngành đặc biệt như hàng không quốc tế, vận tải biển và các ngành thuộc danh mục Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Thậm chí, không chỉ đánh thuế carbon với các mặt hàng sản xuất trong nước, ngày 13/12/2021, các quốc gia EU còn thông báo thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Ở Việt Nam, thuế carbon là vấn đề mới và hoàn toàn chưa được ghi nhận trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như trong chính sách, pháp luật về thuế, phí. Đóng vai trò là công cụ chính sách mới được đề cập trong những năm gần đây, mặc dù chưa có định hướng cụ thể về việc áp dụng thuế carbon nhưng với tính chất cần thiết trong việc làm giảm phát thải KNK, việc đề xuất áp dụng thuế carbon và xây dựng lộ trình áp dụng thuế carbon rất cần được cân nhắc. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *